ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin nội bộ ngành

Gây nuôi động vật hoang dã đe dọa đa dạng sinh học Việt Nam


Sáng 19/10, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo “Việc thực thi chính sách pháp luật về đa dạng sinh học ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp”. Đây là hoạt động nằm trong Kế hoạch giám sát chuyên đề sẽ được báo cáo Thường vụ Quốc hội vào cuối năm 2015.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng sinh học và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều hệ sinh thái và loài động thực vật quý hiếm. Khoảng 16% tổng số loài toàn cầu được tìm thấy ở Việt Nam.

gay-nuoi-dong-vat-hoang-da-de-doa-da-dang-sinh-hoc-viet-nam

Báo hoa mai (Panthera pardus) có trong sách đỏ Việt Nam. Ảnh: Lê Phương

Đến tháng 5/2015, Việt Nam có 166 khu bảo tồn với diện tích trên 2,1 triệu ha, 134 khu bảo tồn thuộc hệ thống rừng đặc dụng, 6 khu bảo tồn biển, 45 khu bảo tồn vùng nước nội địa... Nhiều khu vực bảo tồn của Việt Nam được các tổ chức quốc tế công nhận như: 8 khu ramsar (đất ngập nước), 9 khu dự trữ sinh quyển, 2 khu di sản thiên nhiên thế giới và 5 khu di sản ASEAN.

Cục trưởng Bảo tồn đa dạng sinh học Phạm Anh Cường cho biết, đa dạng sinh học đóng góp trực tiếp nhiều lợi ích cho sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 18-21% tổng sản phẩm quốc gia trong giai đoạn 2005-2012. Tuy nhiên, đa dạng sinh học của Việt Nam suy giảm nghiêm trọng trong thời gian qua do tác động tiêu cực ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên, trong khi công tác quản lý chưa hiệu quả.

Theo ông Cường, việc thực thi Luật đa dạng sinh học 2008 còn nhiều khó khăn do Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 và Luật Thủy sản 2003 cũng có các quy định về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, các quy định về đa dạng sinh học của 3 luật này không thống nhất với nhau, ví dụ quy định về hệ thống phân hạng và phân khu chức năng trong khu bảo tồn; quy định về bảo vệ loài nguy cấp, quý hiếm và loài thông thường; các chế tài xử lý vi phạm.

Việc quản lý nhà nước về đa dạng sinh học được giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng đảm nhiệm, dẫn tới công việc chồng chéo. Trong khi đó, công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở địa phương còn yếu, cán bộ địa phương không có kiến thức chuyên môn và kinh phí hoạt động eo hẹp.

gay-nuoi-dong-vat-hoang-da-de-doa-da-dang-sinh-hoc-viet-nam-1

Buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã quý hiếm ngày càng tăng. Ảnh:Tài nguyên và Môi trường

Đặc biệt, tình hình tiêu thụ động vật hoang dã ngày càng gia tăng, một phần do việc khai thác, săn bắn, tiêu thụ trái phép, một phần do chính sách phát triển gây nuôi thương mại trong 5-7 năm trở lại đây. Nhiều người nuôi nhốt lợi dụng giấy phép gây nuôi động vật hoang dã thông thường để gây nuôi trái phép động vật hoang dã quý hiếm, quay vòng giấy vận chuyển để trốn tránh cơ quan chức năng.

Ngoài ra, Vụ trưởng Bảo tồn thiên nhiên Trần Thế Liên cho biết 80% các khu bảo tồn hiện nay có người dân sinh sống và dân số ngày một tăng. Việc săn bắn, khai thác tài nguyên của những cộng đồng dân cư này rất khó kiếm soát, ngày càng tác động mạnh hơn tới đa dạng sinh học.

Vì vậy, để đẩy mạnh công tác bảo tồn đa dạng sinh học, các đại biểu đề nghị cần thống nhất một cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, đồng thời tăng cường lực lượng thực thi pháp luật, gắn bảo vệ rừng với công tác định canh định cư để ổn định đời sống dân cư trong và xung quanh rừng đặc dụng.

Các chuyên gia từ dự án nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ cũng đề xuất áp dụng cơ chế bồi hoàn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Các hình thức bồi hoàn hiện đã được áp dụng ở hơn 30 nước trên thế giới như Mỹ, Australia, Đức, Pháp… nhằm đền bù cho những tác động bất lợi đối với đa dạng sinh học gây ra bởi các dự án sau khi đã sử dụng biện pháp phòng tránh và giảm thiểu tác động.

Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, từ đầu năm 2014 đến tháng 8/2015, Cảnh sát môi trường Việt Nam đã phát hiện 377 vụ vận chuyển trái phép động vật hoang dã, trong đó đã khởi tố 35 vụ và 44 bị can, xử lý hành chính 193 vụ với tổng số tiền phạt khoảng 1,94 tỷ đồng.

Một số vụ việc nghiêm trọng trong năm 2014 và 2015 như vụ bắt giữ 19 miếng sừng nghi là sừng tê giác (2,15 kg) cất giấu trong hành lý trên chuyến bay từ Qatar, qua Bangkok tới sân bay quốc tế Nội Bài; bắt giữ 4.368 kg xác rùa biển tại một xưởng chế tác thủ công mỹ nghệ ở Khánh Hòa; bắt tổng cộng 119 cá thể tê tê bị mua bán, vận chuyển ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh và Thanh Hóa.

Minh Hiền - vnexpress.net


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm