ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin nội bộ ngành

Sáu vấn đề về phát triển rừng bền vững


(Chinhphu.vn) – Để hoàn thành chỉ tiêu đạt độ che phủ rừng lên 41,45% và đạt độ tăng trưởng 6-6,5%, kim ngạch xuất khẩu trên 7,5 tỷ USD, cần phát huy được bài học kinh nghiệm quý báu về phát triển nền lâm nghiệp xã hội hóa.

Đây là quan điểm của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn về việc phát triển rừng bền vững hiện nay trong dịp Tết trồng cây vừa qua. Tết trồng cây là một trong những hoạt động đáng chú ý được Bộ NN&PTNT tổ chức hằng năm để thúc đẩy sản xuất đầu năm.

Việt Nam đã, đang và ngày càng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Hơn bao giờ hết, mỗi người đều thấy rõ vai trò của rừng như là "lá phổi" của trái đất, duy trì cân bằng sinh thái và lưu giữ đa dạng sinh học, điều hoà khí hậu, phòng hộ bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, giữ nguồn nước, cung cấp gỗ, lâm sản… “Bảo vệ, phát triển rừng, sử dụng khôn khéo các nhân tố của rừng là điều kiện bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững, nâng cao đời sống nhân dân và sự trường tồn của quốc gia, dân tộc”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhận định.

Năm 2016, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến bất lợi, rét đậm, rét hại, khô hạn kéo dài và nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành, kiến tạo của Nhà nước, hành động quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, truyền thống lao động cống hiến, cần cù, sáng tạo của đồng bào các dân tộc cả nước, ngành lâm nghiệp đã khép lại một năm thành công toàn diện với nhiều kết quả có ý nghĩa.

Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm 9% so với năm 2015; các địa phương đã nâng cao tinh thần thực hiện phương châm 4 tại chỗ nên các vụ cháy rừng được lực lượng chức năng phát hiện sớm, chữa cháy kịp thời, giảm thiểu thiệt hại. Cả nước đã trồng được gần 222.000 ha rừng tập trung và trên 58 triệu cây phân tán; khoán quản lý bảo vệ 6,2 triệu ha; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng 360.000 ha; giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 7,3 tỷ USD; chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tạo nguồn thu gần 1.300 tỷ đồng để thanh toán cho chủ rừng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng...

Tuy vậy, nhìn thẳng vào thực trạng cũng thấy rằng tình trạng phá rừng trái pháp luật, cháy rừng còn diễn ra ở một số địa phương, đặc biệt là những vùng giáp ranh, các khu rừng tự nhiên còn giàu tài nguyên. Đặc biệt, kết quả trồng rừng ven biển còn thấp, trách nhiệm trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng mới đạt 55% kế hoạch, tình trạng chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra phức tạp ở một số nơi, gây bức xúc trong xã hội.

Hiện nay, việc triển khai Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp mới đạt kết quả bước đầu, chưa trở thành động lực tạo chuyển biến rõ nét trên thực tiễn; đời sống của đồng bào sống trong rừng, gần rừng vẫn còn khó khăn.
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, thông qua Tết trồng cây, cần thúc đẩy được 6 vấn đề trọng tâm để lan tỏa được tinh thần phát triển rừng bền vững trên cả nước.

Thứ nhất, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích, ý nghĩa của “Tết trồng cây”. Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, trồng cây, trồng rừng gắn liền với phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai ngay từ đầu năm công tác trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2017 theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020. Bằng mọi giải pháp hoàn thành nhiệm vụ trồng rừng thay thế, trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng ven biển bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Thứ ba, toàn ngành lâm nghiệp cần chú trọng chuyển giao giống cây trồng phù hợp, tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi để cây trồng có tỉ lệ sống cao; thâm canh, tăng năng suất rừng trồng; nghiêm túc thực hiện đóng cửa rừng tự nhiên cùng với triển khai đồng bộ các giải pháp làm giàu rừng. Cần phải tổ chức tốt chăm sóc, nuôi dưỡng cây trồng, phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa khô, tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu lâm nghiệp, sử dụng hợp lý các giá trị phi lâm sản và dịch vụ của rừng để nâng cao chuỗi giá trị. Tạo môi trường thuận lợi phát triển, nâng cao sức cạnh tranh, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển nhanh kinh tế nông thôn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Thứ tư, cần củng cố, xây dựng mô hình, nhân rộng ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến trong phát triển rừng theo phương án bền vững; phát triển bền vững nguyên liệu gỗ, lâm sản gắn với phát triển mạng lưới chế biến gỗ, lâm sản, vận hành cơ chế thị trường trong nước và quốc tế thông suốt hơn; chú trọng công nghệ chế biến sau dăm gỗ và công nghệ phụ trợ thay thế hàng nhập khẩu, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm nghề rừng.

Thứ năm, toàn ngành lâm nghiệp cần có chính sách để tăng cường thu hút và kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế vào các dự án phát triển rừng, nhằm tăng thêm nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng.

Cuối cùng, việc phát triển rừng bền vững cần được làm song song với hoàn thiện thể chế pháp luật, cơ chế chính sách phát triển ngành lâm nghiệp là ngành kinh tế đặc thù phát triển theo chuỗi liên kết, cùng với bảo đảm môi trường, quốc phòng an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu, trước hết là sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng phù hợp với yêu cầu đổi mới và hài hòa với quy định, thông lệ quốc tế.


Nguồn: Chinhphu.vn


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm