ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN BÌNH CHÂU - PHƯỚC BỬU: Tiềm năng du lịch chưa được "đánh thức"


Du khách leo núi trải nghiệm tại Khu rừng nguyên sinh khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.
Du khách leo núi trải nghiệm tại Khu rừng nguyên sinh khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

(Nguồn: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu) 6 giờ sáng, xuất phát từ TP. Vũng Tàu bằng xe gắn máy, 7 giờ 15 phút chúng tôi đã có mặt tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc), bắt đầu chuyến hành trình khám phá khu rừng nguyên sinh trong tâm trạng háo hức.

Ông Lê Duy Thu, Trưởng Phòng giáo dục truyền thông môi trường du lịch sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu (KBT BCPB) cho biết, KBT rộng 10.509ha, trong đó có 50,8ha đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án phát triển du lịch sinh thái (giai đoạn 2002-2006) và giao cho KBT quản lý. Từ năm 2012, KDL này bắt đầu đón khách tham quan. Theo ông Thu, nếu muốn tìm hiểu toàn bộ KDL này phải mất 2-3 ngày đi bộ, nên ông sẽ chỉ dẫn chúng tôi vào những nơi ấn tượng nhất.

Đi hết đoạn đường chừng 1km, ai nấy đều ngỡ ngàng trước bức tranh thiên nhiên hiện ra trước mắt: những cây tràm nước ngả mình, uốn lượn khoe những bộ rễ sum xuê, khiến mọi người đều dừng chân ngắm nghía và chụp hình. Tiếp theo là những cây gỗ dầu, bình linh, giáng hương cao vút; đặc biệt, nhiều cây kơ-nia thân bằng 2-3 vòng tay người ôm mới xuể. Ấn tượng hơn về một khu rừng hoang sơ còn thể hiện ở những thảm cây dương xỉ vắt vẻo từ các cây gỗ rủ xuống như những dòng thác đổ, xanh mướt. Đi sâu vào rừng, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp những chú sóc tinh nghịch leo trèo rồi chuyền cành thoăn thoắt trước mặt hay những chú khỉ nhí nhảnh đùa giỡn trên cây; những bầy ong vo ve tìm hoa làm mật; những đàn bướm đủ màu sắc bay lượn dập dờn... Tất cả tạo nên một bản nhạc rừng rộn rã, vui tươi và đầy sức sống. Dẫn chúng tới khu nuôi thú rừng bán hoang dã, một cán bộ kiểm lâm cho biết, chỗ này rộng 8ha, có hàng rào để nuôi thú bán hoang dã gồm: nai, trăn và các loại khỉ: đuôi lợn, đuôi dài, mặt đỏ… phục vụ khách tham quan.

Chị Ngọc Lan, một người trong đoàn chúng tôi thốt lên: “Sống ở Vũng Tàu hơn 20 năm nhưng hôm nay tôi mới tới đây, cảm giác như lạc vào một khu rừng rậm nào đó trên phim ảnh. Không khí trong rừng mát rượi, rất thư thái. Chỉ ngắm cây thôi cũng đã “say” quên lối về”. Say sưa quên thời gian, tới gần 13 giờ, chúng tôi mới trở về khu trung tâm ăn trưa và nghỉ ngơi. Vừa đi, ông Thu vừa kể: “Tiếc là đã qua mùa, nếu đi sớm hơn vào tháng 4, tháng 5, mọi người sẽ được thưởng thức những loại trái cây như: thanh trà, trâm, sim, táo rừng, chùm ruột rừng, gùi, sung, chanh rừng, mua… tới mùa chín mọng, ngọt quyến rũ đến nao lòng”. Theo ông Thu, vào mùa mưa, đi xa hơn lên khu vực ngọn hải đăng, núi Tầm Bồ trong KBT, khách có thể tìm và mang về những cây lan rừng quý hiếm. Nếu đi vào rừng ban đêm, du khách có cơ hội bắt gặp các loài thú đi ăn đêm như: cáo, chồn... Hoặc nếu qua đêm tại KBT, buổi tối khách có thể được các kiểm lâm viên dẫn ra biển, câu tôm tít, cá mang về KBT đốt lửa trại và bày tiệc nướng vui chơi thâu đêm.

Khách quốc tế tham quan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.
Khách quốc tế tham quan tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu.

Buổi chiều, chúng tôi tiếp tục khám phá khu rừng “thu nhỏ” tại phòng trưng bày. Bà Tăng Thị Thu Hường, Phó trưởng Phòng giáo dục truyền thông môi trường Du lịch sinh thái, kiêm HDV du lịch KBT BCPB cho biết, ở đây có hệ động vật gồm 205 loài có xương sống, trong đó có 49 loài thú thuộc 21 họ, 9 bộ với 36 loài quý hiếm như gấu chó, khỉ đuôi lợn, cu li, voọc xám bạc, mèo rừng, vên vên và 106 loài chim. Trong đó có các loài quý như gà lôi hông tía, gà lôi vằn, bồ câu nâu, yến núi và nhiều loài bò sát như trăn gấm, trăn đất, rắn hổ mang, tắc kè, nhông cát... Các loài gỗ quý hiếm như gõ đỏ, cẩm lai, xoan đào, trắc, giáng hương, huỳnh đàn, bình linh...

Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, với tiềm năng hiện có, các mô hình du lịch sinh thái tại KBT BCPB như: thể thao, cắm trại; du lịch kết hợp học tập nghiên cứu, giáo dục môi trường... nếu được tổ chức và khai thác tốt có thể đạt tầm cỡ khu vực và thế giới. Tuy vậy, việc khai thác du lịch tại đây vẫn còn nhiều khó khăn, nhân sự, cơ sở vật chất phục vụ du lịch còn hạn chế. Từ năm 2011-2015, bình quân KDL chỉ đón 2.600 lượt khách/năm, chủ yếu là học sinh, sinh viên đến tham quan, học tập… riêng từ đầu năm đến nay, có 1.076 lượt khách. Nguyên nhân là do các công trình hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu thốn, chưa đáp ứng nhu cầu của khách như: chưa có dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Các công trình khác như: nhà nghỉ, hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh bị xuống cấp, hư hỏng nặng không đáp ứng nhu cầu phục vụ khách.

Ông Lê Duy Thu cho biết thêm, để thu hút khách, trước mắt khu vực 50,8ha này cần được đầu tư: sửa chữa các công trình nhà rông, nhà vệ sinh; xây thêm phòng nghỉ phục vụ sinh viên thực tập tìm hiểu, nghiên cứu; liên doanh, liên kết thuê môi trường rừng để tổ chức các hoạt động về du lịch sinh thái với các đơn vị có nhu cầu. Ngoài ra, cần đầu tư thêm các dịch vụ phục vụ khách như: nhà hàng, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, xây dựng các chòi cao cho khách ngắm toàn cảnh; khu vực xem thú đêm; cắm trại qua đêm... Đây là những công trình thiết yếu, để “đánh thức” tiềm năng du lịch của KB BCPB.

Nguồn: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu


Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm