ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin hoạt động

Rừng ở Đray Sáp đã bắt đầu có “chủ”


Cách đây chưa lâu, thực trạng về những cánh rừng ở Đray Sáp bị tàn phá, làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường đã được các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận, xã hội nói đến khá nhiều. Tuy nhiên, sau khi Ban Ban quản lý Rừng đặc dụng, cảnh quan (RĐDCQ) Đray Sáp được thành lập, thì xem ra những cánh rừng ở Đray Sáp đã bắt đầu có “chủ” thực sự.

Mới đây, có dịp cùng với cán bộ, nhân viên của Ban quản lí đi “thị sát” trong rừng, chúng tôi gặp hai ông Đàm Đình Hòa và Triệu Quang Hiền ở thôn Nam Cao, xã Đắk Sô cùng 1 cán bộ kiểm lâm đang đi tuần tra rừng. Hỏi chuyện, cả hai người đều cho biết, từ khi được giao khoán rừng, bà con ở các tổ đều thay phiên nhau đi canh gác nên tình trạng chặt phá rừng cũng đã giảm nhiều. Anh Nguyễn Thanh Tùng, cán bộ kiểm lâm của Ban quản lý RĐDCQ Đray Sáp đi cùng giải thích: “Những năm trước đây, có lẽ ai cũng biết, khu vực rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp là một trong những “điểm nóng” về nạn phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Vì thế, ngay sau khi tiếp nhận và quản lý khu vực này, Ban quản lý RĐDCQ Đray Sáp đã tiến hành giao khoán đất, rừng cho bà con địa phương. Hiện nay, có khoảng 50 hộ gia đình được giao khoán đất, rừng và được chia thành nhiều nhóm hộ để thường xuyên tuần tra, canh gác dưới sự hướng dẫn, quản lý của Ban”. Dừng chân ở một góc rừng tràm và keo lai đang lên xanh mơn mởn, anh Tùng cho hay, đây là khoảnh rừng mà cách đây không lâu đã bị “lâm tặc” tàn phá “trắng”. Thế nhưng, cán bộ, nhân viên của Ban cùng với nhân dân trong vùng đã ra quân trồng lại rừng, nên mới được như vậy. Anh Tùng cho biết thêm: “Rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp có ý nghĩa về mặt sinh thái và du lịch nên từ khi được giao nhiệm vụ, cả đơn vị luôn căng sức ra để bảo vệ. Anh em luôn thay phiên nhau đi tuần tra rừng, có những lúc đi thâu đêm đến tờ mờ sáng mới về. Cuộc chiến chống “lâm tặc” còn dài và gian nan lắm. Nhiều lúc đi tuần tra bị “lâm tặc” hành hung, nhưng anh em ai nấy cũng mạnh dạn chống trả quyết liệt, không chùn bước trước những kẻ vi phạm pháp luật để bảo vệ diện tích rừng được giao”.


Rừng trồng trong khu rừng đặc dụng Đray Sáp đang lên xanh

Theo ông Võ Văn Tâm, Giám đốc Ban quản lý RĐDCQ Đray Sáp thì Ban quản lý RĐDCQ Đray Sáp được thành lập từ tháng 8-2010, theo Quyết định số 1158/QĐ-UBND của UBND tỉnh, trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, hiện đang quản lý 1688 ha rừng, thuộc địa bàn xã Đắk Sô. Là địa bàn “nóng”, thường xuyên diễn ra nạn phá rừng nên khi nhận nhiệm vụ, Ban đã luôn đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền để người dân chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng, thông qua nhiều hình thức như xây dựng panô, áp phích, loa đài, hội họp… Đồng thời, đơn vị cũng chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra các khu rừng trọng điểm, vùng giáp ranh để truy quét các đối tượng có hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Nhờ sự phối hợp đồng bộ, có những kế hoạch cụ thể mà từ năm 2010 đến nay, Ban đã phát hiện 2 vụ khai thác gỗ trái phép, thu 24,794 m3 gỗ các loại cũng như ngăn chặn được nhiều vụ phá rừng, đánh bắt thủy sản, khai thác đá granit trái phép trong lâm phần của mình. Bên cạnh đó, Ban cũng đã triển khai trồng hơn 110 ha rừng và giao khoán cho 50 hộ dân quản lí, nâng độ che phủ của rừng trồng trong lâm phần lên hơn 80%. Riêng 6 tháng đầu năm 2011, Ban đã thiết kế và trồng xong 60 ha rừng tập trung ở các xã Nam Đà và Đắk Sô cũng như triển khai kế hoạch trồng rừng sản xuất, rừng phòng hộ và phòng, chống cháy rừng ở các thôn trọng điểm.

Cũng theo ông Tâm thì có thể chưa nói trước được điều gì, bởi vì để khắc phục, ngăn chặn được tình trạng phá rừng đã trở thành vấn nạn nhiều năm ở khu vực rừng đặc dụng Đray Sáp là một vấn đề không thể một sớm, một chiều được. Tuy nhiên, nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa đơn vị với chính quyền, nhân dân địa phương nên tình hình vận chuyển, tiêu thụ, phá rừng trái phép ở rừng đặc dụng đã giảm rất nhiều so với trước đây. Các “điểm nóng” về khai thác lâm sản và phá rừng tại các khu rừng giáp ranh trên địa bàn về cơ bản đã được ngăn chặn, “hạ nhiệt” đáng kể. Đây là cơ sở để Ban quản lý RĐDCQ Đray Sáp thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng ở địa phương trong thời gian tới, góp phần đem lại màu xanh cho những cánh rừng Đray Sáp.

Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm