ĐƯỜNG DÂY NÓNG: (0254) 3732.318 - (0254) 3732.320
Thông tin nội bộ ngành
Baochinhphu.vn

Phấn đấu trở thành nước đứng đầu về chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản


(Chinhphu.vn) - Mục tiêu về lâu dài sẽ phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất, XK của Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước đứng hàng đầu về sản xuất, chế biến và XK gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Xung quanh câu chuyện về phát triển nhanh, bền vững ngành chế biến gỗ và lâm sản XK, Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về nội dung này.

Mục tiêu tới đây của ngành sản xuất, chế biến gỗ được xác định thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Mục tiêu về lâu dài sẽ phát triển ngành chế biến gỗ, lâm sản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong sản xuất, XK của Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước đứng hàng đầu về sản xuất, chế biến và XK gỗ và lâm sản có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Việc đầu tiên ngành đang hướng tới đó là phát triển nguồn nguyên liệu từ rừng trồng trong nước, đáp ứng tối thiểu 80% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ XK, tiến tới thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Về giá trị kim ngạch XK: Nâng thị phần thương mại đồ gỗ thế giới của Việt Nam từ 6% hiện lên khoảng10% vào năm 2025.

Để đạt được những mục tiêu này, chúng tôi đã và đang thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp: Bảo đảm nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chất lượng cho ngành chế biến gỗ XK. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp (DN) chế biến lâm sản XK trên thị trường thế giới. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để hỗ trợ các DN chế biến XK lâm sản tổ chức sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Cùng với việc phát triển, mở rộng thị trường XK, ngành cũng đang xây dựng cơ chế để phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho ngành chế biến lâm sản đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến XK.

Để thực hiện được mục tiêu trên, theo ông, DN có vai trò như thế nào đối với việc phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản hiện nay?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: DN có vai trò quan trọng nhất đối với việc phát triển ngành chế biến gỗ. Giá trị XK lâm nghiệp có được hiện nay một phần là do kết quả của quá trình hợp tác giữa các DN chế biến gỗ với các chủ rừng là hộ gia đình, nhóm hộ gia đình để hình thành các khu rừng trồng cung cấp gỗ, giúp các DN chủ động được nguồn nguyên liệu và cũng đã tạo điều kiện cho người dân trồng rừng yên tâm về đầu ra sản phẩm, đảm bảo ổn định được giá bán gỗ, từng bước ổn định và nâng cao đời sống cho người dân trồng rừng.

Một số mô hình liên kết, hợp tác điển hình như: Mô hình liên kết các hộ dân xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng keo có chứng chỉ FSC của Công ty Scansia Pacific; mô hình hỗ trợ Hợp tác xã bền vững của Công ty Scansia Pacific; mô hình liên kết giữa Công ty WOODSLAND với các hộ gia đình trồng rừng tại tỉnh Tuyên Quang…

Tuy nhiên, từ lâu nhiều người vẫn tồn tại suy nghĩ DN chế biến gỗ là nơi tiếp tay cho việc phá rừng và buôn bán gỗ lậu. Thực tế đến nay, để XK được thì gỗ phải là gỗ “sạch”, tức là có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, DN không dại gì dùng gỗ lậu để chế biến bởi không truy xuất được nguồn gốc có nghĩa là sản phẩm sẽ không tiêu thụ được. Cũng chính vì thế, việc buôn bán đồ gỗ theo kiểu biên mậu hầu như là không có, tất cả đều phải theo đường chính ngạch.

Cùng với sự mạnh dạn ứng dụng của khoa học kỹ thuật hiện nay, việc tận dụng tất cả các phụ phẩm từ gỗ đã được DN thực hiện rất thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Vào những công ty sản xuất gỗ lớn sẽ không có cảnh bụi, mùn cưa chất đầy như cảnh những xưởng gỗ ngày xưa. Tất cả các thành phần từ một cây gỗ thô mang về xưởng đều được sử dụng để ép, vo viên… tạo lại thành những mảng gỗ lớn, xử lý kỹ thuật đảm bảo và đưa vào sản xuất đồ gỗ.

Theo ông ngành công nghiệp chế biến gỗ đang có những lợi thế phát triển gì?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Hiện nay ngành công nghiệp chế biến gỗ đã có được một lượng nguyên liệu hợp pháp từ rừng trồng để chúng ta sản xuất đồ nội thất XK. Lợi thế này giúp DN liên tục xuất siêu ở mức cao trên 70%. Đây chính là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia: Việt Nam là trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp, chất lượng và bền vững của thế giới.

Tiềm năng phát triển ngành còn rất lớn, kim ngạch XK Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 6% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới, trong khi Trung Quốc đang là quốc gia có thị phần cao nhất, khoảng 39%, tiếp theo là CHLB Đức, chiếm khoảng 8% thị phần, Italy, Ba Lan cùng chiếm khoảng 7% thị phần. Như vậy, ngành chế biến gỗ của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội để phát triển nếu các doanh nghiệp biết tận dụng những lợi thế sẵn có của mình.

Cùng với đó, hiện lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA), thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng của các nước tham gia hiệp định sẽ tiếp tục được cắt giảm hoặc xóa bỏ, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Hiệp định Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế quan đối với các mặt hàng đồ gỗ nội thất, văn phòng, nhà bếp ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Với hiệp định này, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến của EU, đồng thời EU sẽ là nguồn cung nguyên liệu gỗ chủ lực cho Việt Nam, cả cho chế biến tiêu thụ nội địa và XK.

Vậy chúng ta cần có chính sách gì để hỗ trợ DN gỗ phát triển mạnh hơn để có thể tận dụng được những lợi thế như ông nêu trên?

Thứ trưởng Hà Công Tuấn: Theo tôi, trước mắt cần có kế hoạch cụ thể để kịp thời tuyên truyền và xây hệ thống văn bản hướng dẫn cơ chế, chính sách khi Việt Nam tiến hành cam kết quốc tế như: CPTPP, VPA/FLEGT.

Hiện Bộ NN&PTNT đang gấp rút hoàn thành việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Lâm nghiệp, trong đó chú trọng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khai thác, chế biến và xuất khẩu lâm sản.

Cùng với đó cần nghiên một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho DN, như: Hạn chế XK nguyên liệu gỗ thô để bảo đảm nguồn nguyên liệu trong nước thông qua các chính sách thuế và kiểm soát việc thực hiện; phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng phục vụ chế biến gỗ, có chứng chỉ rừng bền vững (FSC); phát triển công nghiệp sản xuất nguyên liệu phụ trợ, trước mắt là chính sách thuế cho các DN nhập khẩu thiết bị, nguyên liệu để sản xuất vật liệu phụ trợ trong nước.

Riêng về thuế thu nhập DN, trong thời điểm này nên có những chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN cho các DN chế biến gỗ và lâm sản trong việc đầu tư mới công nghệ tiên tiến, hiện đại để thay thế công nghệ chế biến gỗ cũ, lạc hậu nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm gỗ.

Cảm ơn ông!



Bài đã đăng:
Văn bản mới

Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản

Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác

 Xem thêm